Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất từ ngày 10/7/2017 sẽ giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Như vậy, từ 10/7 tới đây, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống còn 7,25%/năm.
Cùng với đó, NHNN quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Với quy định này, các lĩnh vực hưởng giảm lãi suất sẽ thực hiện theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Do đó, từ ngày 10/7 tới đây, quy định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn này được áp dụng cho nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Những đối tượng khách hàng nào được hưởng giảm lãi suất này và khi nào thực hưởng
Các nhóm khách hàng thuộc diện này sẽ được giảm từ mức lãi suất 7%/năm xuống còn 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, gánh nặng chi phí đầu vào còn cao, trong đó có chi phí vốn vay ngân hàng, thì việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần này là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Nhưng, xin nhắc lại rằng, thông điệp điều hành này mới chỉ là tín hiệu. Còn đối với các tổ chức, cá nhân đi vay lãi ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh… cần đặc biệt lưu ý rằng, mức giảm này chỉ dành cho những nhóm đối tượng cụ thể nêu trên.
Hơn nữa, động thái này của NHNN mới chỉ là thể hiện nhà điều hành nới lỏng tiền tệ thêm. Nó không đồng nghĩa với việc ngay lập tức mọi người vay được hưởng mức lãi suất như chỉ đạo của NHNN. Bởi nó còn phụ thuộc vào việc các tổ chức tín dụng, các ngân hàng cho vay chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Họ cũng phải thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh… nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay.
Dẫu vậy, khi nhà điều hành đã “bật đèn xanh”, nếu các tổ chức tín dụng thực sự hành động nhanh để kéo giảm độ trễ chính sách, thiết thực chia sẻ khó khăn với người đi vay, giảm gánh nặng về giá vốn trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thì chắc chắn việc giảm lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm qua của NHNN là một cú huých quan trọng để góp phần hỗ trợ chi phí cho các tổ chức tín dụng, từ đó tạo cơ sở nền tảng để dần giảm mặt bằng chung lãi suất cho vay ở mọi lĩnh vực trên thị trường.
Mà chắc chắn điều đó là mong mỏi chung của mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ vay vốn và đang vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Bởi vì lãi suất là giá vốn, nếu lãi suất cứ neo cao, tức là giá vốn cao thì người dân có nhu cầu cũng sẽ không dám vay, hoặc buộc phải vay thì lại đẩy giá thành sản xuất, kinh doanh. Nghĩa là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lãi suất cho vay của ngân hàng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền sản xuất, đẩy khó chung cho cả nền kinh tế.
Xuân Thân
Theo VOV